Thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi ông Son. Ông Son đề nghị “toà nói to một chút”. Ông Son thừa nhận có ký văn bản báo cáo Thủ tướng, đề nghị Thủ tướng ủng hộ Mobifone dự án đầu tư dịch vụ truyền hình này vì nhiều lý do, trong đó có lý do quốc phòng- an ninh. Bộ TTTT cũng đề nghị Thủ tướng giao cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định về giá mua và hiệu quả tài chính của dự án trước khi Thủ tướng phê duyệt. Bộ TTTT cũng đề nghị giao cho Mobifone ký quyết định đầu tư, Bộ TTTT chỉ đạo những vấn đề phát sinh…
. Đây là dự án có ảnh hưởng gì đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội không?
+ Tôi nghĩ là có. Ví nếu nước ngoài mua được dự án này thì chắc chắn khó khăn.
. Nhưng bị cáo vừa trả lời bị cáo không chỉ đạo việc không bán cho DN nước ngoài?
+ Không có công văn trả lời chứ không phải không chỉ đạo. Chúng tôi đã có văn bản hỏi ý kiến Bộ Công an theo đề xuất của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn. Bộ Công an trả lời, đề nghị Bộ TTTT, AVG không được chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài, chỉ nên bán cho DN trong nước.
. Bị cáo có chỉ đạo đúng nội dung trả lời đó không?
+ Tôi giao anh Tuấn thông báo cho AVG.
. Bị cáo chỉ đạo chỉ bán cho đối tác trong nước. Bị cáo còn chỉ đạo trong quá trình xử lý không thông tin rộng rãi khiến dư luận hiểu nhầm.
+ Vâng. Đó là ý kiến của Bộ Công an đề nghị Bộ TTTT làm việc đó.
. Theo bị cáo, tất cả các vụ mua bán, sáp nhập DN có phải thông qua Bộ Công an không?
+ Không, chỉ những việc có yếu tố an ninh mới yêu cầu, theo Công văn của thường trực Ban bí thư.
. Bị cáo nhận được sự phản hồi như thế nào của Thủ tướng?
+ Trước khi nhận được ý kiến của Thủ tướng, Bộ TTTT nhận được văn bản tham mưu cho Thủ tướng của Bộ KHĐT, văn bản này cũng đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư truyền hình của Mobifone, giao cho Bộ TTTT phê duyệt và tổ chức triển khai theo quy định.
Văn bản của VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ KHĐT.
. Nhưng phần quan trọng nhất, Thủ tướng ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư chưa?
+ Lúc đó chúng tôi hiểu là Thủ tướng đã đồng ý rồi. Bản thân cơ quan tham mưu là Bộ KHĐT cũng đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư.
. Có những cái có thể “coi như là”, có những cái không thể “coi như là”, nhất là ở vị trí Bộ trưởng như bị cáo. Một thông báo khác một quyết định, một thông báo không thể “coi như là” quyết định.
+ Thưa quý toà, trong thông báo đó đã chứa đựng các yếu tố pháp luật rồi, đó không phải là thông báo bình thường. Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương cho Mobifone mua AVG để đầu tư dịch vụ truyền hình.
. Chủ trương khác, quyết định khác…
+ Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi hiểu rằng…
. Bị cáo nên nhớ vai trò của bị cáo là Bộ trưởng. Đã là Bộ trưởng thì không thể nhầm lẫn về những cái mang tính tối thiểu như vậy. Không thể coi thông báo là một quyết định, không thể thiếu quyết định mà vẫn yêu cầu ông Trương Minh Tuấn ký quyết định 236 phê duyệt dự án. Đấy là bị cáo khai thế thôi. HĐXX hỏi lại để đánh giá thái độ khai báo của bị cáo. Tại cơ quan điều tra, bị cáo đã khai báo rất rõ ràng việc không có quyết định phê duyệt đầu tư của Thủ tướng là chưa đúng thẩm quyền. Tại cơ quan điều tra bị cáo khai đúng hay ở đây khai đúng?
+ Ở cơ quan điều tra tôi đã khai như vậy. Nhưng sau này tôi mới hiểu được điều đó. Ở thời điểm phê duyệt, chúng tôi nghĩ chúng tôi đã làm đúng theo quy định rồi.
. Ai cũng nói tôi không hiểu gì cả, nhưng ai cũng chễnh chệ ngồi ở ghế Bộ trưởng và Chủ tịch HĐTV. Không hiểu gì thì làm Bộ trưởng làm gì?”- thẩm phán Trương Việt Toàn bình luận.
Ông Toàn hỏi tiếp:
. Sau khi thực hiện xong thương vụ mua bán AVG, bị cáo đã được. nhận bao nhiêu tiền?
+ Tôi không nhận bất cứ khoản tiền nào.
. Tại cơ quan điều tra, bị cáo khai được Vũ chuyển quà biếi 3 triệu USD. Lời khai này có đúng không?
+ Lúc đó do sức khoẻ của tôi, tôi bị hoảng loạn nên khai vậy.
. Sức khoẻ hoảng loạn có nghĩ ra được con số 3 triêu USD không? Sao không nghĩ ra con số 1 triệu hay 10 triệu?
+ Không phải đầu tiên tôi khai con số 3 đâu. Lúc đó sức khoẻ tôi rất yếu. Tôi đã hai lần ngất trên bàn làm việc của cơ quan điều tra. Lần thứ nhất tôi ngất đi 3 ngày, lần thứ hai một ngày sau mới tỉnh lại. Lúc đó cơ quan điều tra yêu cầu làm việc liên tục cho đến ngày tôi khai như vậy.
Chủ toạ Nguyễn Thị Xuân Thu hỏi:
. Bị cáo khai tại cơ quan điều tra, cũng như các bản cung, đơn đề nghị khắc phục hậu quả, bản tường trình? Bị cáo có vẽ sơ đồ Vũ đến nhà bị cáo, đặt xe và để tiền và vẽ vali bị cáo để tiền, đặt ở đâu sau khi nhận tiền của Vũ không?
+ Theo hướng dẫn của cơ quan điều tra tôi đã làm điều đó. Lúc đó sức khoẻ tôi rất yếu, tôi muốn giữ lại tính mạng của mình.
. Bị cáo đã khai chi tiết về số tiền nhận, bối cảnh nhận, thời gian nhận, khi nhận chỉ có bị cáo và Vũ, không có ai ở nhà cả?
+ Đúng vậy. Lúc đó do điều kiện sức khoẻ yếu…
. Các biên bản đều ghi bị cáo có đủ điều kiện, có thể làm việc với cơ quan điều tra?
+ Không đúng như thế, lúc đó sức khoẻ tôi rất yếu.
. Thư bị cáo gửi cho vợ, cho con gái, đơn xin khắc phục hậu quả có phải do bị cáo viết không?
+ Tôi có viết. Cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu viết, sau đó tôi đã xin rút lại.
. Bị cáo viết gì, có nói với vợ và con cố gắng sắp xếp khắc phục hậu quả không? Trong đơn xin khắc phục hậu quả, bị cáo có viết xin lấy số tiền trong tài khoản là 500 triệu để khắc phục hậu quả không?
+ Tôi có viết.
. Vì lý do gì hôm nay bị cáo lại thay đổi lời khai?
+ Để giữ lại mạng sống của mình. Lúc đó cơ quan điều tra nói cấp dưới cuả anh đã khai nhận rất nhiều, anh không thể không khai nhận được. Khi đó tôi bị ngất lần thứ ba, tôi sợ sẽ xảy ra điều gì với tính mạng của tôi nên tôi đã khai điều đó. Ban đầu không phải khai số liệu 3 triệu USD mà là con số khác, bằng tiền Việt nhưng cơ quan điều tra nói khai vậy không được, còn không bằng con số quân anh nhận. Cơ quan điều tra sau đó lại xé bản cung đi, viết bản khác. Kể cả thư viết cho vợ tôi cũng vậy.
. Bị cáo sức khoẻ yếu nhưng có ảnh hưởng đến tâm thần không?
+ Thực sự lúc đó không khoẻ nên thần kinh tôi không tốt lắm. Từ tháng 2 đến tháng 6, riêng tôi được giám thị cho kiểm tra sức khoẻ ngày 2 lần.
. Bị cáo có nhận tiền của Lê Nam Trà, Cao Duy Hải không?
+ Tôi không nhận.
HĐXX yêu cầu thư ký đọc lại lời khai của ông các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải và Phạm Nhật Vũ. HĐXX hỏi Lê Nam Trà, Cao Duy Hải. Hai ông đều xác nhận lời khai đã đưa tiền cho ông Nguyễn Bắc Son, cụ thể, ông Trà đưa cho ông Son 700.000USD, ông Hải đưa cho ông Son 200.000 USD.
HĐXX hỏi:
. Con số 3 triêu USD, trong lúc hoảng loạn tại sao bị cáo nghĩ ra con số này mà không phải con số khác?
+ Ban đầu cơ quan điều tra nói quân của anh nhận rất nhiều tiền rồi. ban đầu tôi nhận số tiền Việt nhưng các anh ấy nói không được, phải khai cao hơn. Sau đó các anh ấy lại nói phải nhận bằng tiền đô, không được nhận bằng tiền Việt.
Thẩm phán Trương Việt Toàn trích lại một phần lá thư ông Son gửi cho vợ.
“Anh rất mong em và các con tha lỗi cho anh. Anh rất đau khổ trong những tháng ngày đã qua. Song anh luôn luôn tin tưởng em sẽ vững vàng thay anh gánh vác việc nhà như em đã từng làm trong thời gian anh vắng nhà trước đây khi còn công tác.
Lý ạ, anh đã khai báo với cơ quan điều tra về viêc sau khi ký hợp đồng mua bán hoàn tất, Nhật Vũ đã mang đến cho anh số tiền 3 triệu USD”.
“Lời lẽ trong thư có phải của người tâm thần hoảng loạn không?”- thẩm phán Toàn hỏi.
Ông Son không trả lời được câu hỏi này.
HĐXX cho ông Son về chỗ ngồi và kết thúc phần xét hỏi buổi sáng.
Theo: Đức Minh -PLO